KẾ HOẠCH Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025 Và tầm nhìn đến năm 2030
Trường THCS Quế Long đã xây dựng "KẾ HOẠCH Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025 Và tầm nhìn đến năm 2030" đã được các cấp phê duyêt. Từ Kế hoạch chiến lược giao đoạn 2020 - 2025, nhà trường xây dựng Kế hoạch hoạt động cho từng năm học. Hằng năm nhà trường rà soát, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tại.
PHÒNG GDĐT QUẾ SƠN
TRƯỜNG THCS QUẾ LONG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 01 /KHCL-THCS Quế Long, ngày 25 tháng 8 năm 2020
KẾ HOẠCH
Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025
Và tầm nhìn đến năm 2030
Trường THCS Quế Long nguyên là trường cấp I- II Quế Long có bề dày truyền thống hơn 40 năm. Trường được xây dựng năm 1977 tại Dốc Búa, thôn Xuân Quê xã Quế Long (sau khi đơn vị hành chính xã Quế Long được thành lập). Năm 1984, Trường được dời về Cấm Cao. Năm 1993, quy mô trường lớp ngày càng phát triển, số lượng học sinh tăng nhanh, Trường cấp I-II Quế Long được chia tách làm hai cơ sở với hai cấp học khác nhau; Cấp I vẫn ở vị trí cũ, cấp II được dời lên thôn Lộc Thượng I thuộc trung tâm xã Quế Long và được mang tên: Trường cấp II Quế Long vào ngày 26 tháng 6 năm 1993 theo Quyết định số: 18/QĐ-TCCB của tổ chức cán bộ sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam- Đà Nẵng.
Trường cấp II Quế Long (nay là trường THCS Quế Long) đã vững vàng trãi qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau (Trường cấp I-II, Trường cấp II, rồi trường THCS…) nhưng vẫn giữ được truyền thống mẫu mực và chất lượng. Nhà trường có nhiều lớp cán bộ, thầy cô gương mẫu, nhiệt tình và đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh ưu tú.
Năm 1977 Trường cấp I-II Quế Long được thành lập. Trường có 8 phòng học tranh tre vách đất với hơn 300 học sinh của hai cấp học, thầy cô là những người từ chiến khu ra hoặc được tăng cường tử Đà Nẵng, Hội An. Tam Kì.... Sau một thời gian, đến năm 1984, do thiên tai làm ngã đổ, Trường được dời về Cấm Cao (Thôn Xuân Quê). Năm 1993 trường cấp II Quế Long tách ra khỏi trường cấp I- II và được chuyển về Thôn Lộc Thượng I với một cấp học (cấp II Quế Long). Năm 1997 trường đổi tên gọi mới là trường THCS Quế Long (theo Quyết định số:102/QĐ-GDĐT, ngày 13 tháng 02 năm 1997 của Sở GDĐT Quảng Nam về việc thành lập trường THCS Quế Long)..
Có thể nói đây là mốc khởi đầu cho một bước phát triển của trường. Nếu trước đó trường chỉ mới mang tính ổn định thì đến nay đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên nhà trường phần lớn là người địa phương, có kinh nghiệm giảng dạy, yêu nghề, mến trẻ nên chất lượng giáo dục đã có những bước phát triển rõ nét. Nhà trường liên tục nhiều năm liền được công nhận là trường tiên tiến. Đội ngũ học trò được đào tạo khi vào trường cấp III, Đại học hoặc ra đời đều để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Qua thời gian hoạt động phấn đấu và trưởng thành. Đến nay nhìn lại, chúng ta đã đạt một số thành tựu hết sức quan trọng đó là :
Về CSVC
Trường có khuôn viên riêng biệt, có tường rào, cổng ngõ, biển trường. Tất cả các khu trong nhà trường được bố trí tương đối hợp lí. Tổng diện tích của trường là 5.040m2. Bình quân 25m2/1 học sinh . .Trường có một cơ ngơi khang trang gồm 8 phòng học cao tầng, được trang bị đầy đủ bàn ghế, bảng từ tính chống loá. Có phòng làm việc đầy đủ cho khu hành chính quản trị, có nhà để xe, sân chơi bãi tập, khu thí nghiệm thực hành, thư viện thiết bị, phòng vi tính được trang bị tương đối đầy đủ các thiết bị bên trong, thư viện có đầy đủ sách báo, tạp chí phục vụ bạn đọc hàng ngày … Pa nô áp phích, biển bảng, tường rào, cổng ngõ được hình thành khá đẹp mắt.
Về CB-GV-NV :
Trong công tác chuyên môn nghiệp vụ luôn luôn phấn đấu tự học tự rèn nâng cao kiến thức về văn hoá cũng như tay nghề. Đến nay đã có 12/17 Cán bộ, giáo viên tốt nghiệp Đại học và 2 giáo viên đang theo học các lớp đại học để nâng chuẩn lên trình độ cao hơn. Trong quá trình thực hiện công tác giảng dạy, giáo dục của mình đa số CB-GV-NV đều thể hiện tính cần cù, siêng năng, sáng tạo, vận dụng tối đa các kiến thức có được, để truyền đạt cho học sinh có hiệu quả cao nhất, đặc biệt hiện nay hầu hết các Thầy cô giáo đều thành thạo máy vi tính, biết vận dụng công nghệ thông tin vào trong công tác dạy học.
Về thành tích thi đua: Trong những năm qua trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc và đã được UBND Huyện tặng giấy khen. Hằng năm Chi bộ, Công đoàn, Đội TNTPHCM, đều đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc và được nhiều cấp tặng giấy khen.
Để phát huy truyền thống và thế mạnh hiện có Nhà trường đã tiến hành hoạch định kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm định hướng phát triển, xác định mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển của nhà trường để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng khóa XII.
I. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG- ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
1. Môi trường bên trong
1.1. Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên
Tổng số CB GV NV: 21; Trong đó: CBQL: 02, GV: 15 Nhân viên: 4.
- Công tác tổ chức quản lý của BGH nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức triển khai, kiểm tra đánh giá sâu sát được sự tin tưởng của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên: Nhiệt tình, có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nhà trường, mong muốn nhà trường phát triển, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đa số đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
1.2. Học sinh:
Năm học 2018-2019: Toàn trường có 8 lớp với tổng số học sinh 200 em. Xếp loại học lực:
Giỏi 37 em: tỉ lệ 18.50%;
Khá 73 em: tỉ lệ 36.50%;
TB 89 em: tỉ lệ 44.50%;
Yếu 1em: tỷ lệ: 0.50%
Kém 0.0 em Tỉ lệ 0.0%
Năm học 2019-2020: Toàn trường có 7 lớp với tổng số học sinh 185 em Xếp loại học lực:
Giỏi 31 em: tỉ lệ 16.80%;
Khá 68 em: tỉ lệ 36.80%;
TB 85 em: tỉ lệ 45.94%;
Yếu 02 em: tỉ lệ 1.08%;
Kém.0.0 em: tỉ lệ 0.0%;
Về hạnh kiểm:
Năm học 2018-2019:
Xếp loại Tốt: 135 em: tỉ lệ: 67.50%;
Khá: 64 em: tỉ lệ 32.00%;
TB: 1 em: tỉ lệ: 0.50% ;
Yếu: 0.0 em: tỉ lệ: 0.0%
Năm học 2019-2020:
Xếp loại Tốt: 150 em: tỉ lệ: 81.10%;
Khá: 34 em: tỉ lệ 18.40%;
TB: 0.0 em: tỉ lệ 0.0%;
Yếu: 1 em: tỷ lệ 0.50%
1.3. Cơ sở vật chất
a. Phòng học và các phòng chức năng phục vụ hoạt động trong nhà trường: Phòng học: 6 phòng/8 lớp
b. Trang thiết bị phòng học và thiết bị dạy học:
Phòng Thư viện : 03 phòng/72m2,
+ Phòng bộ môn: 02 phòng/56m2/ phòng
+ Phòng Tin học: 01 phòng/56m2
+ Có 05 máy tính xách tay.
Cơ sở vật chất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện tại (tuy nhiên chưa đồng bộ, phòng chức năng còn thiếu, trang thiết bị chưa đầy đủ).
c. Khu vực công cộng:
Khu công cộng được bố trí hợp lí, với diện tích 1000m2, là một khu riêng biệt, trước tiền sảnh dãy phòng học cao tầng, là nơi dành cho các hoạt động chào cờ đầu tuần, tập thể dục giữa giờ và cũng là nơi sinh hoạt vui chơi của học sinh, có cây xanh bóng mát, bồn hoa cây cảnh được bố trí rất hài hòa đẹp mắt.
d. Khu vệ sinh:
Nhà trường có hai nhà vệ sinh riêng biệt. Một nhà vệ sinh dành cho học sinh với diện tích 30m2 được ngăn đôi một nửa dành cho học sinh nam và một nửa dành học sinh nữ. Một nhà vệ sinh dành cho cán bộ giáo viên, diện tích 20m2 cũng được ngăn đôi cho nam và nữ.
đ. Khu vực nhà xe:
Có hai nhà để xe, một nhà dành cho học sinh với diện tích 200m2 và một nhà để xe cho giáo viên với diện tích 54m2. Hai nhà để xe được bố trí hài hòa hợp lí, thuận tiện cho việc ra vào của học sinh cũng như cán bộ, giáo viên.
1.4. Điểm mạnh
- Công tác tổ chức quản lý của BGH nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức triển khai, kiểm tra đánh giá sâu sát được sự tin tưởng của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên: Nhiệt tình, có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nhà trường, mong muốn nhà trường phát triển, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đa số đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
1.5. Điểm yếu
Đội ngũ giáo viên, nhân viên: Một số giáo viên tuổi cao nên việc tiếp cận đổi mới và tin học còn hạn chế. Thậm chí có giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay. Tỷ lệ giáo viên so với bộ môn còn chưa hợp lý.
Chất lượng học sinh: Ý thức học tập của một số học sinh chưa tốt, bị tác động lớn bởi các hiện tượng tiêu cực của môi trường xã hội. Điều kiện kinh tế xã nhà còn nhiều khó khăn nên sự quan tâm đầu tư của phụ huynh còn nhiều hạn chế. Phụ huynh quan tâm chưa đúng mức đến viêc học của con em.
Cơ sở vật chất: Chưa đồng bộ, thiếu hiện đại. Chưa đáp ứng được với yêu cầu giảng dạy theo hướng hiện đại. Phòng học bộ môn chưa đầy đủ, còn thiếu nhiều trang thiết bị dạy học, chưa xây dựng được phòng sinh hoạt cho các tổ chuyên môn cũng như phòng làm việc của các tổ chức đoàn thể.
2. Môi trường bên ngoài
2.1. Thời cơ:
Được sự quan tâm của Đảng uỷ, HĐND, UBND và các Ban ngành đoàn thể trong địa phương xã Quế Long.
Được phụ huynh và học sinh tín nhiệm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục học sinh.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sự phạm tốt.
2.2. Thách thức:
Cơ sở vật chất – kỹ thuật chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới dạy học.
Mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục và ý thức, động cơ học tập; sự quan tâm của cha mẹ học sinh, của xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Năng lực của một số giáo viên, nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều và đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên sa sút ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục.
2.3. Xác định các vấn đề ưu tiên:
Đẩy mạnh công tác Phổ cập giáo dục trên cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục; trước mắt chống học sinh bỏ học, tập trung phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Phấn đấu đạt được trường có chất lượng tốt.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ tâm và tầm để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong dạy – học và công tác quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
Từng bước tu sửa, nâng cấp, xây dựng và mua sắm mới cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu giáo dục.
- Đổi mới công tác quản lý trên cơ sở đáp ứng theo các yêu cầu của các chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục.
Xây dựng văn hoá Nhà trường, tạo dựng môi trường thân thiện.
II. TẦM NHÌN, SỨ MỆNH VÀ CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI
1. Tầm nhìn:
Là một trong những trường chất lượng cao. Nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn tới đỉnh cao của tri thức.
2. Sứ mệnh:
Tạo dựng được môi trường học tập thân thiện, có chất lượng giáo dục tốt, để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển hết tài năng của mình.
3. Các giá trị cốt lõi:
- Đoàn kết
- Hợp tác
- Trách nhiệm
- Bao dung
- Trung thực
- Sáng tạo
- Tình nhân ái
- Khát vọng vươn lên
III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
1- Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.
1.2. Các mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu ngắn hạn: Năm học 2020-2022, Trường THCS Quế Long được đánh giá ngoài về KĐCLGD đạt mức độ 3 và dược công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Mục tiêu trung hạn: Đến năm 2023, Trường được công nhận hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở vật chất của trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 và đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày.
Mục tiêu dài hạn: Đến năm 2025, Trường THCS Quế Long phấn đấu đạt được các mục tiêu sau:
Chất lượng giáo dục được giữ vững.
Thương hiệu nhà trường được nâng cao.
Được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia bậc trung học mức độ 2 và được đánh giá ngoài đạt mức đọ 3: Vào năm 2025.
2. Chỉ tiêu
2.1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên:
Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được đánh giá khá, giỏi trên 90%.
90% CB-GV-NV sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm ứng dụng trong giảng dạy và công tác.
Có trên 20% số tiết dạy sử dụng công nghệ thông tin.
2.2. Học sinh:
- Chất lượng học tập:
+ Trên 60% học lực khá, giỏi (25% học lực giỏi)
+ Tỷ lệ học sinh có học lực yếu dưới 5% ; không có học sinh kém
+ Xét TN THCS đạt 98 %.
+ Thi học sinh giỏi :
- Cấp Huyện trên 60% HS dự thi đạt giải; Phấn đấu xếp ở vị thứ V, VI toàn huyện
- Cấp tỉnh có 2-3 học sinh dự thi HSG Cấp tỉnh và có học sinh đạt giải.
- Chất lượng đạo đức, kỹ năng sống:
+ Chất lượng đạo đức: Trên 90% hạnh kiểm khá, tốt.
+ Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện.
2.3. Cơ sở vật chất:
Lập đề án xin kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn hai 2020-2025.
Sửa chữa nâng cấp phòng học, phòng thư viện – thiết bị, trang bị thêm các thiết bị phục vụ dạy, học.
Các phòng chức năng được xây mới và được trang bị nâng cấp theo hướng hiện đại.
Xây dựng môi trường sư phạm đảm bảo các tiêu chí “Xanh - Sạch - Đẹp- An toàn”.
3. Phương châm hành động
“ Chất lượng giáo dục là uy tín, là danh dự của nhà trường”
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Các giải pháp chung
Tuyên truyền trong CB-VC và học sinh về nội dung kế hoạch chiến lược trên mọi phương tiện thông tin, lấy ý kiến để thống nhất nhận thức và hành động của tất cả các cán bộ, nhân viên trong trường theo các nội dung của kế hoạch chiến lược. Phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí của toàn trường để quyết tâm thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch chiến lược.
Xây dựng Văn hoá nhà trường hướng tới các giá trị cốt lõi đã nêu ở trên.
Tăng cường gắn kết có hiệu quả giữa nhà trường với các cơ quan, đoàn thể doanh nghiệp, nhà tài trợ và cộng đồng.
2. Các giải pháp cụ thể
2.1. Thể chế và chính sách:
Xây dựng cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng phát huy nội lực, khuyến khích phát triển cá nhân và tăng cường hợp tác với bên ngoài.
Hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về mọi hoạt động trong trường học mang tính đặc thù của trường đảm bảo sự thống nhất.
2.2. Tổ chức bộ máy:
Kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân công bố trí lao động hợp lý, phát huy năng lực, sở trường của từng CB-GV phù hợp với yêu cầu giảng dạy.
Thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền chủ động cho các tổ chuyên môn trong trường.
2.3. Công tác đội ngũ :
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn khá giỏi; có trình độ tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giáo viên theo hướng sử dụng tốt đội ngũ hiện có, đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Định kỳ đánh giá chất lượng hoạt động của cán bộ, giáo viên thông qua các tiêu chí về hiệu quả, đóng góp cụ thể của cán bộ giáo viên đối với sự phát triển của nhà trường. Trên cơ sở đó sẽ đề bạt, khen thưởng xứng đáng đối với những cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc.
Đầu tư có trọng điểm để phát triển đội ngũ cán bộ GV cốt cán, cán bộ GV trẻ, có tài năng bố trí vào các vị trí chủ chốt của nhà trường.
Tạo môi trường làm việc năng động, thi đua lành mạnh, đề cao tinh thần hợp tác và chia sẻ với những điều kiện làm việc tốt nhất để mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên đều tự hào, muốn cống hiến và gắn kết với nhà trường.
2.4. Nâng cao chất lượng giáo dục:
Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.
Định kỳ rà soát, đổi mới, kiểm định chất lượng chương trình giáo dục, nội dung và phương pháp giảng dạy theo xu hướng linh hoạt, hiện đại phù hợp với đổi mới giáo dục.
Thực hiện tốt việc tự đánh giá chất lượng giáo dục THCS.
2.5. Cơ sở vật chất:
Đầu tư có trọng điểm để hiện đại hoá các phòng học, các phòng chức năng.
Tiếp tục đầu tư máy tính và các thiết bị đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng mạng thông tin quản lý giữa giáo viên, các tổ chuyên môn với Nhà trường liên thông qua hệ thống nối mạng Internet.
2.6. Kế hoạch - tài chính:
Xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm của từng tổ chuyên môn và nhà trường.
Xây dựng cơ chế tài chính theo hướng tự chủ hoạch toán, và minh bạch các nguồn thu, chi.
Tham mưu với hội cha mẹ học sinh để tăng cường hỗ trợ đóng góp của phụ huynh học sinh.
Tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, cá nhân.
Tham mưu xây dựng các phòng chức năng, khu hành chính, hệ thống thoát nước, tường rào và cổng ngõ.
2.7. Chương trình truyền thông, phát triển và quảng bá thương hiệu:
Hiện đại và khai thác có hiệu quả website của trường. Cung cấp các thông tin về hoạt động giáo dục của trường qua các hội thảo, diễn đàn trao đổi, sách, báo, các tạp chí… Khuyến khích giáo viên tham gia tích cực vào các sự kiện, các hoạt động của cộng đồng và của ngành.
Xây dựng thương hiệu và sự tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường. Xác lập sự tín nhiệm và thương hiệu đối với từng cán bộ giáo viên, nhân viên.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu của nhà trường.
V. TỔ CHỨC, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC
1. Phổ biến kế hoạch chiến lược
Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, phụ huynh học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.
2. Tổ chức thực hiện
Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.
2.1. Đối với Hội đồng trường:
Hội đồng trường chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trương, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục
2.2. Đối với lãnh đạo trường:
Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học. Cụ thể:
Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt lộ trình cụ thể thực hiện kế hoạch chiến lược chung cho toàn Trường.
Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình nghiên cứu lớn có liên quan đến đơn vị.
Tổ chức đánh giá thực hiện kế hoạch hành động hàng năm của toàn trường và thực hiện kế hoạch chiến lược của toàn trường theo từng giai đoạn phát triển.
Tổ chức triển khai thực hiện từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
2.3. Đối với các tổ chức đoàn thể:
Hàng năm xây dựng chương trình hành động thực hiện các nội dung liên quan trong vấn đề thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường.
Tuyên truyền, vận động mọi thành viên của tổ chức mình thực hiện tốt các nội dung và giải pháp trên, góp ý với nhà trường điều chỉnh, bổ sung những nội dung phù hợp để có thể thực hiện tốt kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường.
2.4. Đối với giáo viên, nhân viên:
Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
2.5. Đối với học sinh:
Không ngừng học tập, tích cực tham gia hoạt động để sau khi tốt nghiệp THCS có kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu xã hội, tiếp tục học trung học hoặc học nghề. Ra sức rèn luyện đạo đức để trở thành những người công dân tốt.
2.6. Đối với cha mẹ học sinh và cộng đồng:
Liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh và các tổ chức xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội tham gia vào công tác giáo dục của nhà trường.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài nhằm tăng cường cơ sở vật chất và động viên khen thưởng giáo viên và học sinh có thành tích cao trong giảng dạy và học tập.
Hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, cùng với nhà trường tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh thực hiện một số mục tiêu của kế hoạch chiến lược.
Tăng cường giáo dục gia đình, vận động phụ huynh học sinh quan tâm đúng mức đối với con em, tránh tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường.
3. Lộ trình thực hiện
Giai đoạn 1: Từ năm 2020-2022: Phấn đấu đạt chuẩn về chất lượng giáo dục; đầu tư hoàn chỉnh CSVC-TB; xây dựng hai hạng mục công trình tường rào, nhà để xe học sinh, phòng chức năng, mở rộng nhà Đa năng. Phấn đấu trong năm 2022 trường được đánh giá ngoài về KĐCLGD mức độ 3 và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Giai đoạn 2 : Từ năm 2022-2023 Hoàn thiện về cơ sở vật chất, tham mưu với các cấp lãnh đạo tu sửa phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị và xây mới các phòng chức năng còn thiếu để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày.
Giai đoạn 3: Từ năm 2023-2025: Nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng thành công trường THCS đạt chuẩn Quộc gia bậc trung học mức độ 2 và được đánh giá giá ngoài đạt mức độ 3 vào năm 2025.
4. Kiểm tra đánh giá
Hiệu trưởng ra quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện chiến lược. Ban chỉ đạo có trách nhiệm kiểm tra và điều phối quá trình triển khai, điều chỉnh chiến lược trong từng giai đoạn sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình của nhà trường.
Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm kiểm tra và điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.
Để bản kế hoạch chiến lược được thực hiện triển khai có hiệu quả, hằng năm Hội đồng trường tổ chức đánh giá theo kế hoạch chiến lược. Đánh giá sự tiến bộ chủ yếu thông qua kết quả học tập của học sinh, chât lượng đại trà, chất lượng học sinh giỏi, tỉ lệ học sinh thi vào lớp 10 THPT; kết quả rèn luyện đạo đức và kĩ năng sống của học sinh. Đánh giá sự tiến bộ thông qua kết quả hội giảng các cấp, tỉ lệ giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, tỉ lệ giáo viên giỏi việc trường, đảm việc nhà… Ngoài ra, cần phải đánh giá về mức độ phát triển cơ sỡ vật chất, công nghệ thông tin, công tác quản lý và các mặt khác trong nhà trường theo quy chế đánh giá xếp loại trường phổ thông.
5. Tiêu chí đánh giá
Bám sát nội dung kế hoạch chiến lược, các mục tiêu, chỉ tiêu, phương châm hành động được nêu trong kế hoạch chiến lược để kiểm tra, đánh giá mức độ thực hiện, đánh giá mức độ tiến bộ trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu cùng kỳ năm sau với năm trước và với mục tiêu đề ra của kế hoạch chiến lược.
VI. KẾT LUẬN
1. Kế hoạch chiến lược là một văn bản có tác dụng định hướng cho sự xây dựng và phát triển giáo dục của nhà trường đúng hướng trong tương lai; giúp cho nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý trong từng kế hoạch hàng năm.
2. Kế hoạch chiến lược còn thể hiện rõ sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường nhằm mục đích xây dựng cho mình một thương hiệu, địa chỉ giáo dục đáng tin cậy.
3. Trong thời kì hội nhập, có nhiều sự thay đổi về kinh tế xã hội, tất nhiên kế hoạch chiến lược của nhà trường sẽ có sự điều chỉnh và bổ sung. Tuy nhiên, bản kế hoạch chiến lược này là cơ sở nền tảng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cho những giai đoạn tiếp theo một cách bền vững.
VII. KIẾN NGHỊ
1. Đối với UBND huyện:
- Đề nghị UBND huyện Quế Sơn hỗ trợ cơ chế chính sách, tài chính đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giúp cho Trường THCS Quế Long đạt chuẩn chất lượng cao vào năm 2025 như kế hoạch chiến lược của đơn vị đã đề ra.
- Hỗ trợ tài chính hoạt động, nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng trường lớp cho nhà trường để thực hiện kế hoạch chiến lược.
2. Đối với Phòng GDĐT:
- Đề nghị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Kế hoạch chiến lược của đơn vị và tư vấn cho trường trong các hoạt động triển khai và thực hiện kế hoạch đúng thời gian, tiến độ.
- Tham mưu đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, UBND huyện Quế Sơn, UBND xã Quế Long hỗ trợ về cơ chế chính sách, tài chính và nhân lực để trường THCS Quế Long thực hiện mục tiêu đạt chuẩn chất lượng cao vào năm 2025 như Kế hoạch chiến lược đã đề xuất.
3. Đối với UBND xã Quế Long:
Đề nghị UBND xã Quế Long có tham mưu, đề xuất với lãnh đạo huyện Quế Sơn hỗ trợ cơ chế chính sách, tài chính đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giúp cho Trường THCS Quế Long đạt chuẩn chất lượng cao vào năm 2025.
4. Đối với trường:
Nhà trường sẽ xây dựng lộ trình và cụ thể hóa thành chương trình hành động sát hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của Ngành nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2020-2030./.
Nơi nhận:
- UBND xã (để b/c);
- Phòng GDĐT (để b/c);
- Lưu: VT.
HIỆU TRƯỞNG
(Đã kí)
Nguyễn Đình Thơm
XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ PHÊ DUYỆT
CT PHÒNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
( Đã kí) PTP
(Đã kí)
Hồ Anh Trung Nguyễn Mậu Hùng Kiệt